Chuyện kể cho thiếu nhi: Những người nổi tiếng vượt khó

Gửi các cháu thiếu nhi:

Bài này kể cho các cháu biết về một số người nổi tiếng thành đạt, tuy có bước đầu khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực vượt khó họ làm được việc họ muốn làm.

Abraham Lincoln

Abraham Lincoln
Abraham Lincoln

Abraham Lincoln (1809–1865) là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Ông là tấm gương sáng chói của sự tự lập, biết phấn đấu vươn lên để làm được điều tốt lành cho nhiều người, đặc biệt là giải phóng người nô lệ.

Abraham Lincoln xuất thân từ gia đình nghèo khổ, khó khăn, thiếu thốn đủ điều. Khi làm việc, ông gặp nhiều thất bại. Tuy nhiên, sau mỗi thất bại ông đều lấy lại tinh thần, vượt qua trở ngại để tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công khác nữa.

Câu nói:

Người bạn tốt nhất của tôi là người đưa cho tôi quyển sách mà tôi chưa đọc.

Thomas Edison

Thomas Edison (1847–1931) được xem là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại, làm thay đổi đời sống nhân loại, có khoảng 1.500 bằng sáng chế trên toàn thế giới.

Thuở còn đi học, các giáo viên dạy Edison cho rằng ông “quá ngu ngốc nên không thể học bất cứ điều gì”. Vì những trò nghịch ngợm của mình mà cậu bé Edison bị đuổi học ngay khi đi học được ba tháng. Do đó, mẹ ông quyết định tự nuôi nấng, dạy dỗ ông nên người. Sau này ông nhớ lại: “Mẹ tôi đã tạo ra con người tôi. Bà vững tin nơi tôi, giúp tôi thấy mình có một người để tôi không làm bà thất vọng.”

Thomas Edison_historic light bulb
Thomas Edison bên chiếc bóng đèn đầu tiên

Thomas Edison được biết đến với phát minh nổi tiếng như máy hát quay đĩa và bóng đèn điện, mang đến cuộc cải cách cho lịch sử nhân loại. Nhiều phát minh của Thomas Edison thật ra là thành quả của nhiều người góp lại mà ông là người hoàn thiện để sản xuất hàng loạt.

Câu nói:

Thiên tài chỉ một phần trăm là cảm hứng, còn lại đều là mồ hôi.”

Có nghĩa cảm hứng chỉ là bước đầu; nếu muốn thành công thì bản thân ta phải nỗ lực nhiều.

Henry Ford

Henry Ford (1863–1947) được mệnh danh là “ông vua xe hơi” của nước Mỹ, là người thành lập công ty sản xuất thương hiệu xe nổi tiếng mang tên ông.

Henry Ford có quãng thời gian ban đầu liên tục đối mặt với thất bại. Công ty xe hơi đầu tiên mà Ford lập ra bị phá sản chỉ sau một năm rưỡi vì không tạo ra đủ lợi nhuận. Sau đó ông bắt đầu vay tiền từ bạn bè và người thân để thành lập một công ty khác. Nhưng ông lại bị chính các cổ đông của mình sa thải khỏi công ty vì họ cho rằng cách quản lý của Ford kém hiệu quả.

Henry Ford_T Model
Henry Ford và kiểu ô tô đầu tiên: Model T

Thất bại nhưng ông không hề tỏ ra tuyệt vọng, nản chí. Một năm sau, Ford tiếp tục lập nên công ty thứ ba, Ford Motor, cuối cùng trở thành một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất tại Mỹ.

Henry Ford là một trong những người đầu tiên áp dụng phương pháp sản xuất dây chuyền trong sản xuất ô tô. Đây là sự cải thiện cực kỳ quan trọng trong sản xuất công nghiệp nói chung.

Năm 1903, Henry Ford bán chiếc ô tô đầu tiên. Đó là chiếc Model T, mẫu xe duy nhất do công ty Ford sản xuất với tiêu chí chất lượng tốt và giá rẻ để người Mỹ nào cũng mua được.

Câu nói:

Đến với nhau là bước đầu. Ở bên nhau là tiến bộ. Làm việc với nhau là thành công.”

Henry Ford nhấn mạnh tầm quan trọng của làm việc theo nhóm (team work).

Walt Disney

Walt Disney (1901–1966) là người thành lập nên hãng phim mang tên ông, sản xuất nhiều phim nổi tiếng như Snow White and the seven dwarfs (Bạch Tuyết và bảy chú lùn), loạt phim Toy story (Câu chuyện đồ chơi), The lion king (Vua sư tử), Finding Nemo (Đi tìm Nemo), loạt phim Pirates of the Caribbean (Cướp biển vùng Ca-ri-bê), vân vân. Công ty của ông còn đầu tư xây dựng công viên giải trí khổng lồ Disneyland ở nhiều nơi trên thế giới, khơi nguồn cảm hứng cho hàng triệu bạn nhỏ trên khắp nơi.

Walt Disney_Mickey
Walt Disney trước hình ảnh Chuột Mickey

Trước khi gặt hái được những thành công vang dội đó, Walt Disney từng có tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả, vấp phải nhiều thất bại trong cuộc sống. Do hoàn cảnh gia đình, ông phải đi bán báo và không có nhiều thời gian cho việc học.

Khi mới 20 tuổi, Walt Disney lập công ty đầu tiên làm phim hoạt hình, rồi một thời gian sau công ty bị phá sản. Sau thất bại với công ty mới, ông không bỏ cuộc, quyết định tiếp tục giấc mơ của mình. Phim hoạt hình về chú chuột Mickey từng bị từ chối vì “quá đáng sợ đối với phụ nữ”, nhưng được công diễn lần đầu ở Thành phố New York và đem về thành công vang dội. Ông còn thất bại mấy lần nữa trước khi ra mắt phim “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Ông bị từ chối khoảng 302 lần khi vận động chi phí xây dựng công ty Walt Disney.

Câu nói:

Tại sao lại lo lắng? Bạn cứ làm hết sức mình di, chứ lo lắng chẳng giúp ích gì được.”

Chung Ju-Yung

Chung Ju-Yung (1915–2001) là người thành lập Tập đoàn Hyundai với một trong những thương hiệu nổi tiếng là ô tô Hyundai. Ông là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc nói chung,

Chung Ju-Yung sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo. Khi còn là một cậu bé, ông mơ ước trở thành một giáo viên, nhưng mơ ước của ông đành phải dang dở do gia cảnh nghèo khó. Bất chấp những khó khăn đó, mỗi khi rảnh việc trên đồng, ông vẫn tiếp tục theo học một trường Khổng giáo ở địa phương do chính người ông của mình đứng lớp. Trình độ học vấn chính thức của Chung Ju-Yung chỉ ở bậc tiểu học, khi người cha cho Ju-Yung nghỉ học để giúp gia đình. Sau thời gian làm ruộng, Ju-Yung làm công nhân hỏa xa. Theo thời gian, ông làm công nhân xây dựng, theo học nghề, làm lao công ở bến cảng, đi giao hàng, làm kế toán, rồi mua lại một xưởng sửa xe để tự làm chủ. Trong mỗi công việc, ông đều lao động tận lực, được người ta tin cậy.

Vào năm 1946, sau khi bán đảo Triều Tiên được quân đội đồng minh giải phóng khỏi sự đô hộ của đế quốc Nhật, Chung Ju-Yung thành lập công ty Hyundai (có nghĩa Hiện đại), ban đầu nhận các hợp đồng xây dựng cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Khi chiến tranh kết thúc (1953), Hyundai đã trở thành một trong những công ty xây dựng lớn nhất Hàn Quốc. Với thanh thế ngày càng lan rộng, Hyundai được để ý và tham gia thầu nhiều công trình lớn của chính phủ. Dù lúc đó đã là doanh nhân tiếng tăm lừng lẫy ở Seoul, Ju-Yung vẫn làm việc đến tối mịt và luôn đi bộ 5 kí-lô-mét từ văn phòng về nhà, nơi nghỉ ngơi và cũng là kho chứa phụ tùng.

Chung Ju-yung
Chung Ju-Yung trước ô tô Hyundai

Dần dà, ông thành lập Tập đoàn Hyundai gồm những công ty thép, công ty đóng tàu, và đặc biệt là công ty ô tô… Năm 1976, Hyundai tung ra mẫu xe hơi đầu tiên hiệu Pony.

Khi bắt tay xây dựng công nghiệp đóng tàu, Ju-Yung vào hết ngân hàng này đến ngân hàng khác để vay vốn nhưng đều bị từ chối. Không nản chí, Ju-Yung sang Anh, vào Ngân hàng Barclays tại Londo, ông rút ra tờ 500 won với hình con tàu mà người Triều Tiên từng đóng vào thế kỷ 16 – tức 300 năm trước khi người Anh cho ra đời con tàu sắt đầu tiên của họ. Chung Ju-Yung nhấn mạnh rằng công nghiệp đóng tàu Triều Tiên hẳn có thể tiến xa từ lâu nếu không bị triều đại Chosun cản trở. Với tờ 500 won, Chung Ju-Yung được vay 50 triệu USD từ Barclays!

Ông cũng thành lập quỹ từ thiện Asan được tổ chức thành 4 lĩnh vực hoạt động chính: hỗ trợ y khoa, an sinh xã hội, nghiên cứu phát triển, và quỹ học bổng.

Câu nói đại ý:
Mọi người đều xuất phát như nhau, tuy nhiên có người thành công, có người không; điều đó khác nhau một phần là do nỗ lực nhiều hay ít.

Harrison Ford

Harrison Ford_Star Wars
Harrison Ford trong loạt phim Star Wars

Harrison Ford (1942– ) là một trong những ngôi sao điện ảnh vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông nổi tiếng nhất qua các loạt phim Indiana Jones và Star wars (Chiến tranh giữa các vì sao).

Trước đó, ít ai biết rằng Harrison Ford từng trải qua giai đoạn khó khăn, thiếu thốn khi tiền đóng phim không đủ để chi trả phí sinh hoạt trong gia đình. Do đó, ông buộc phải làm nghề thợ mộc để kiếm kế sinh nhai.

Câu nói:

Hãy chăm chỉ làm việc để mình được hữu ích, đừng cố bắt chước thành công của người khác. Hãy tìm cách tự mình làm được.

Trần Ngọc Phúc (tên Nhật Kazufuku Nitta)

Vào những năm 1950–1960, khi đất nước Việt Nam liên tục biến động, gia đình của ông Trần Ngọc Phúc cũng phải gánh chịu những cơn sóng lớn. Mặc dù còn nhỏ, song cậu bé Trần Ngọc Phúc đã cảm nhận được những thử thách khắc nghiệt mà cha mẹ của cậu đang phải chèo chống để bảo vệ gia đình. Thế nhưng, cho dù các thử thách có khắc nghiệt đến đâu, cha và mẹ cậu chưa bao giờ từ bỏ sự thiện lương, sự kiên cường và lòng tự trọng của những con người xuất thân từ những gia đình gia phong, nề nếp.

Sau khi tốt nghiệp trung học ở Sài gòn, năm 1968 ông Trần Ngọc Phúc (1947 – ) đi du học ở Nhật Bản. Ông kể lại:

Ban đầu, sau khi sang Nhật tôi thường liên lạc với gia đình ở Việt Nam qua điện thoại. Rồi chiến tranh tiếp diễn, tình thế trở nên gay cấn hơn, cho đến lúc tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Mất liên lạc với gia đình, không biết là họ còn sống hay đã mất, càng ngày tôi càng rơi sâu vào hố tuyệt vọng bởi những tin tức mỗi ngày trên báo chí, trên màn ảnh truyền hình.

Tôi được nuôi nấng trong một gia đình khá giả ở Việt Nam, tôi thấy rằng tôi thật ích kỷ, thật là một đứa con hư. Cha mẹ chiều theo mơ ước của tôi, gởi tôi qua Nhật học bằng chi phí của gia đình. Bởi vậy việc không liên lạc được với gia đình khiến cho tinh thần tôi bị khủng khoảng trầm trọng. Tôi nghĩ rằng mình chẳng bao giờ có cơ hội trở về. Trong thời gian đó, tôi tránh đến gần cửa sổ trong các tòa nhà cao tầng, chỉ e trong lúc phẫn chí tôi đi tìm cái chết. Tôi đã nghỉ làm hơn một tháng trời, nhưng rồi nhờ vào sự khuyến khích của bạn bè, tôi quyết định ở lại Nhật và tiếp tục làm việc.

Nhìn vào công việc, tôi quyết định chọn những công việc đặc trưng mà chỉ mình mới làm được, và có thể dồn hết khả năng của mình để làm việc…

Tran Ngoc Phuc
Trần Ngọc Phúc

Năm 1984, ông Phúc thành lập công ty Metran. Trong số các thiết bị do ông nghiên cứu, có máy hỗ trợ hô hấp cho trẻ sinh non. Với tâm niệm “làm những điều mà người khác không thích làm”, máy hô hấp thông thường dành cho 90% bệnh nhân thì nhiều người đã chế tạo. Ông dành thời gian nghiên cứu máy hỗ trợ cho những người còn lại khó cứu chữa. Ông Phúc cho biết” “Tôi coi trọng tính mạng của những trẻ sinh non mắc bệnh nghiêm trọng, nên muốn tập trung tạo ra những chiếc máy hỗ trợ đảm bảo sinh mạng cho các bé tốt nhất”.

Đứa trẻ nhỏ nhất sinh ra tại Nhật Bản có thể nằm trên bàn tay của người lớn. Những đứa trẻ đặc biệt như thế này, nếu dùng máy hỗ trợ hô hấp thông thường thì rất khó cứu sống và để lại nhiều di chứng. Nhưng sử dụng máy hỗ trợ hô hấp do ông Phúc nghiên cứu thì tỷ lệ các cháu sống sót mà không để lại di chứng rất cao.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chỉ riêng trong năm 2011, nhờ chiếc máy trợ thở tần số cao của Metran, bệnh viện đã cứu sống được 120 bé sinh non nặng dưới 1 ki-lô-gam.

Tran Ngoc Phuc_Nhat Hoang
Trần Ngọc Phúc đón tiếp Nhật Hoàng

Năm 2012, doanh nghiệp Metran của ông Trần Ngọc Phúc được lựa chọn là một trong 3 doanh nghiệp được đón tiếp Nhật Hoàng Akihito đến thăm. Đây là vinh dự rất lớn, bởi Nhật Hoàng chỉ viếng thăm duy nhất một lần trong năm một doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Nhật (như doanh nghiệp của ông Phúc).

Ngày 25/11/2017, một đài truyền hình của Nhật Bản thực hiện chương trình, qua đó ông Phúc gặp được hai cháu bé sinh non nhờ có thiết bị của ông mà được cứu sống và giờ đây đã lớn khôn, khỏe mạnh. Gia đình của hai bé coi ông như ân nhân. Cuộc gặp gỡ đầy niềm hạnh phúc vui sướng cho cả ông và gia đình hai bé. Các cháu biểu diễn kiếm đạo cho ông xem, chia sẻ ước mơ của chúng cho ông nghe. Sản phẩm nghiên cứu của mình đã cứu được những đứa trẻ như vậy, có lẽ đó là một trong những món quà tuyệt vời nhất đối với ông Phúc.

Hiện tại ông đang bán máy thở khắp nơi trên thế giới.

Những câu nói:

  • Thi ân mà không cần đáp trả.” Đây là điều ông học được từ cha mẹ ông.
  • Tôi tin là lúc nào mình cũng có thể tìm ra con đường khi mình đốc hết toàn lực để cố gắng.”
  • Trong lĩnh vực y khoa, không nên quá coi trọng lợi ích kinh tế nhất thời mà phải tính chuyện phát triển lâu dài. Và điều cần nhất là trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, con người.”

Diệp Minh Tâm

One thought on “Chuyện kể cho thiếu nhi: Những người nổi tiếng vượt khó

Leave a comment